Thứ sáu, 26/04/2024

Chùa Phúc Long

Chùa Phúc Long hiện ở số nhà 168 phố Trần Quang Khải, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Xưa kia, chùa thuộc thôn Trường Thanh, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương.

Chùa Phúc Long cũng như các chùa khác được dựng lên để thờ Phật và thờ Mẫu. Với chức năng đó, chùa là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh cổ truyền của cộng đồng cư dân.

Chùa được xây dựng vào thời nhà Nguyễn. Năm 1973, có một gia đình đi vùng kinh tế làm ăn không được, trở về ở nhờ hiên chùa. Gia đình đó sử dụng xăng dầu vô ý làm cháy toàn bộ chùa, tượng và đồ thờ tự. Sau đó, nhà sư chủ trì và nhân dân đóng góp công đức làm lại chùa, nhưng quy mô nhỏ hơn trước. Các đồ thờ tự và tượng pháp trong chùa hiện nay được đưa về từ các chùa khác như chùa La Khê, La Cả thuộc thị xã Hà Đông, chùa Nghĩa trang Quảng Thiện ở Thanh Xuân (khi phải dẹp nghĩa trang để mở đường quốc lộ 6 và đường vào nhà máy bóng đèn – phích nước Rạng Đông).

Chùa Phúc Long nằm ở mặt phố. Các công trình kiến trúc của chùa bao gồm: Cổng tam quan, tam bảo, nhà thờ Tổ và Mẫu.

Cổng tam quan là một kiến trúc mới được xây dựng. Cổng được xây bằng gạch có mái chồng diêm, các đầu đao đắp hình hồi long; chính giữa đắp 3 chữ Hán “Phúc Long Tự”. Các cột trụ xây cao, có lòng đèn đắp lá lật. Tam quan trở nên trang nhã hơn với những đại tự và đôi câu đối đầy ý nghĩa:

          Tứ cố giang sơn giác khởi sắc

          Phúc quả viên thành linh tiên quả.

Dịch nghĩa:

          Nhìn bốn xung quanh đất nước cảnh sắc mạnh lên

          Vườn quả phúc thành đền thiêng lâu đời.

Phía trên cổng chính đắp nổi 3 chữ: “Nam mô Phật”.

Qua cổng chùa có một lối sân nhỏ dẫn vào tam bảo (chùa chính). Tam bảo có kết cấu kiểu chữ “Đinh”, gồm 3 gian tiền đường và 3 gian thượng điện. Tòa tiền đường được xây kiểu đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bộ khung được làm bằng gỗ bào trơn đơn giản. Tại gian chính giữa tiền đường treo bức hoành phi lớn: “Phật từ quảng đại”, gian bên phải treo bức hoành: “Thế giới Tây phương cực lạc”. Gian bên trái treo bức hoành: “Bốn hữu bách thế”. Tòa thượng điện xây nối liền với tiền đường về phía sau gồm 3 gian kiểu tường hồi bít đốc, bộ khung đỡ mái gồm 4 bộ vì gỗ. Tam bảo chùa được bài trí các lớp tượng: Tại tiền đường, sát tường hồi bên phải phía trong là tượng Đức Ông, phía ngoài là tượng Hộ pháp, phía trong là tượng Thánh tăng. Trên phật điện, gồm các lớp tượng:

          - Lớp thứ nhất: Tam thế tôn – Phật Quá khứ, Hiện tại, Vị lai.

          - Lớp thứ hai: Tượng A Di Đà (ngồi giữa), hai bên là Quan Thế Âm và Đại Thế Chí.

          - Lớp thứ ba: Tượng Quan Âm Nam Hải.

          - Lớp thứ tư: Tòa Cửu Long và tượng Thích Ca sơ sinh, hai bên là tượng Nam Tào, Bắc Đẩu.

Trong số hơn 20 pho tượng của chùa hiện còn, đáng chú ý là tượng A Di Đà được đúc bằng đồng. Tượng A Di Đà ngồi thiền trên tòa sen, tượng cao 1,35m, bệ cao 28cm. Pho tượng A Di Đà cùng 2 pho tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí là những pho tượng bằng đồng sơn son thiếp vàng mang giá trị nghệ thuật đẹp nhất trong chùa. Trong chùa hiện còn bảo lưu được một số di vật có giá trị: quả chuông đồng “Quang Kiến tự chung” (chuông chùa Quang Kiến). Đồ gỗ hiện còn hai bức cửa võng gỗ sơn sơn thiếp vàng, ba bức đại tự, 2 hương án thờ, 4 câu đối.

Chùa Phúc Long hiện là ngôi chùa nhỏ. Về quy mô kiến trúc không có gì đặc biệt, toàn bộ tượng pháp và đồ thờ tự mang từ chùa khác về. Chùa có giá trị về mặt nghệ thuật thể hiện qua 3 pho tượng. Trong chùa còn có điện Phúc Long là một bộ phận gắn liền với chùa được thờ phía sau tam bảo.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,827,482