Thứ bảy, 20/04/2024

Chùa Hàm Long

Chùa Hàm Long có tên chữ là “Hàm Long tự". Năm 1953, hai vị hòa thượng Tố Liên và Tứ Hải đứng ra trùng tu chùa, làm nơi giảng pháp nên di tích còn có tên là chùa Vạn Hạnh.

Chùa Hàm Long hiện ở trong khu vực số nhà 18 phố Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hàm Long, vốn xưa là thôn Hàm Châu, tổng Hậu Nghiêm, sau đó đổi tên là thôn Hàm Khánh, tổng Thanh Nhàn, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long.

Theo những ghi chép để lại, chùa Hàm Long là một trong những ngôi chùa ra đời rất sớm của kinh thành Thăng Long. Tiền thân lúc đầu là một ngôi đền Hội Khánh thờ vị thần Ngô Long, là vị phụ đạo chính quốc dưới thời Hùng Duệ Vương (tức Hùng Vương thứ 18) người có công lớn trong việc bảo vệ đất nước dẹp giặc Hồ Lư ở Hoan Châu, đã từng lớn lên ở quán Long Đầu. Sau khi ông mất nhân dân sửa quán Long Đầu làm đền hội Khánh để thờ.

Khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, nhà vua phát hiện trong địa phận Thăng Long có đền thờ vị thần là Long thần giáng sinh và là người có công bảo vệ đất nước dưới triều vua Hùng. Do vị thần này gắn với nguồn gốc tiên rồng của dân tộc, với kinh đô “Rồng bay” nên Lý Công Uẩn đã phong lại cho Ngô Long danh hiệu Long thần và đền Hội Khánh trở thành chùa Hàm Long. Chùa thờ Phật nhưng đồng thời cũng thờ Ngô Long - vị thần có nhiệm vụ bảo vệ chùa, hộ trì Phật pháp.

Vào thế kỷ 17 - 18, chùa Hàm Long đã trở thành một Trung tâm Phật giáo lớn của kinh thành. Cả vua Lê, chúa Trịnh dù cạnh tranh quyền lực, nhưng đều cúng tiến tiền của, ruộng đất tu sửa, mở mang chùa, mượn cảnh này để hướng dẫn dân chúng vào việc thiện, cầu phúc cho quốc thái dân an. Cuối thế kỷ 17, chùa bị hư hỏng điêu tàn, Thái phi Trương Thị Ngọc Chử vợ Tấn Quang Vương Trịnh Bính, sinh ra chúa Trịnh Cương (người Như Quỳnh - Gia Lâm) và dòng tộc chúa Trịnh đã xuất tiền sửa lại ngôi chùa. Sau 12 năm (từ 1702 đến 1713) công trình được hoàn thành với quy mô tráng lệ, chùa Hàm Long trở thành “Một nơi thắng cảnh của 36 cõi thiền”. Cho đến cuối thế kỷ 19 chùa Hàm Long vẫn là ngôi chùa lớn hàng đầu phía nam kinh thành Thăng Long xưa.

Năm 1947, toàn quốc kháng chiến, chùa Hàm Long bị tàn phá nặng nề, chùa chính và nhiều công trình kiến trúc bị phá hủy, chỉ còn sót lại hai tấm bia đá cùng dựng năm 1714, do hai vị Tiến sỹ thời Lê soạn, hai giếng ngọc và hai ngôi tháp Tổ. Trong kháng chiến có hai vị đã đứng lên quyên góp tín đồ phật tử xây được hai dãy nhà hai tầng vừa để thờ Phật vừa để giảng pháp cho tăng ni, phật tử. Vì vậy chùa được xây theo kiểu khác với các chùa khác trong thành phố

Đến năm 1958 ngôi chùa được trùng tu lần nữa, có mở thêm trường giảng Phật pháp cho tăng ni phật tử. Như vậy, chùa Hàm Long vừa thờ Phật, vừa thờ Thần.

Phần kiến trúc của chùa được xây dựng vào cuối thập kỷ 40 của thế kỷ 20 gồm khu thờ tự và trường Phật học. Trường là một dãy nhà kiến trúc kiểu mới, hai tầng mái bằng trên mặt gian nền và toàn bộ tầng trệt của Chùa.

Khu thờ Phật được quy hoạch trên tầng hai. Chùa chính được xây gạch, phần trên làm hai tầng mái với các góc đao cong. Chính giữa bờ nóc đắp đôi rồng chầu mặt trời. Cổ diêm giữa hai mái xếp chấn song bằng sứ, hình con tiện. Mặt ngoài đắp tên chùa bằng chữ Hán “Hàm Long Tự”.

Trên vị trí trang trọng nhất trong Chính điện là bộ Tam thế; tiếp đến là bộ A Di Đà tam tôn, Quan Âm chuẩn đề, tòa Cửu Long, Bồ Tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền, Phật Di Lặc, Đức Chúa Ông, Đức Thánh Tăng, Quan Nam Tào, Quan Bắc Đẩu. Tượng Ngô Long cũng được thờ chung ở đây cùng với Thập điện Diêm Vương, Bồ Tát. Các pho tượng đều có kích thước nhỏ, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Cũng trên sân tầng hai chếch về phía bên phải chùa chính còn có hai kiến trúc nhỏ là điện thờ Thánh Mẫu và miếu thờ Thành hoàng. Điện thờ Thánh Mẫu gồm hai gian xây gạch, bốn mái, gian giữa thờ Tứ phủ, Tam phủ, Đức Thánh Trần và Mẫu Thượng ngàn; gian bên thờ tổ Bồ Đề đạt ma và hai vị sư Tổ của chùa đã viên tịch. Miếu thờ Thành hoàng Ngô Long nằm sát tường hồi tầng hai, mặt trước treo bức cửa võng chạm rồng chầu, tứ linh, bên trong đặt long ngai, bài vị Thành hoàng.

Dấu tích cổ nhất của chùa Hàm Long là hai tấm bia đá và hai tháp ba tầng, nơi lưu giữ xá lị của các nhà sưđã viên tịch. Bia nằm trên khu đất cũ của chùa cách chùa chính khoảng 30m, dựng năm Giáp Ngọ Vĩnh Thịnh 10 (năm 1714). Bài ký trên bia do hai danh thần thời hậu Lê là Đặng Đình Tướng và Nguyễn Quý Đức soạn, nội dung nói về việc trùng tu chùa Hàm Long đầu thế kỷ 18.

Các tấm bia tại chùa Hàm Long được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 26/01/2011. Chùa Hàm Long được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử cấp Thành phố ngày 18/02/2013.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,772,494