Thứ bảy, 20/04/2024

Chùa Bà Đá – Thành hội Phật giáo Hà Nội

Chùa Bà Đá ở số 3 phố Nhà Thờ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Chùa có tên chữ là “Linh Quang tự” (ánh sáng Phật pháp viễn chiếu không có gì che cản được để cứu độ chúng sinh).

Truyền thuyết dân gian lý giải về tích sử tên chùa Bà Đá rằng: Chùa vốn được xây vào triều Lý. Đến triều Lê - Trịnh xây thành ở gần chùa, thành cứ xây xong lại đổ. Sau đó lấy một tượng đá giống như người, đem phụng thờ ở trước chùa rất linh thiêng, cầu gì là ứng nghiệm ngay, nên gọi là chùa Bà Đá.

Trải qua thời gian dài tồn tại, qua những thăng trầm đổi thay của lịch sử, ngôi chùa đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa vào thời Nguyễn và những năm gần đây. Các công trình kiến trúc của chùa được bố cục theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, các toà nhà được gắn kết với nhau thành một thể thống nhất. Từ ngoài vào gồm: cổng chùa xây bằng gạch, một kiến trúc nhỏ hẹp, dẫn vào sân chùa phía trong là Toà Tam Bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu và hai dãy tả hữu hành lang, khu nhà bếp, toà nhà “Pháp bảo tạng”.

Nhà Tiền đường gồm 3 gian, 2 chái, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh. Nội thất 4 hàng chân cột đỡ mái, các cột gỗ được đặt trên các chân tảng bằng đá mịn. Bộ khung đỡ mái gồm 4 bộ vì kèo được làm kiểu “giá chiêng, hạ kẻ bẩy”. Phía trước mở 7 cửa bức bàn kiểu “thượng song, hạ bản”, nền nhà lát gạch nung đỏ.

Tòa Trung đường được xây nối liền với Tiền đường, mái giọt tranh của hai tòa nhà này nối với nhau bằng hệ thống máng tôn có kích thước lớn. Tòa Trung đường có kích thước, kiểu dáng tương tự tòa Tiền đường.

Thượng điện gồm 5 gian, 1 chái, xây chạy dọc về phía sau. Bộ khung đỡ mái tòa Thượng điện có một đầu ăn mộng với gian giữa nhà Trung đường. Nội thất 5 hàng chân cột gỗ đỡ mái, với 6 bộ vì kèo gỗ làm kiểu “giá chiêng, hạ kẻ”, mái lợp ngói, nền lát gạch đỏ.

Hai nhà tả, hữu hành lang, mỗi tòa 9 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói “sông Cầu”. Bộ khung đỡ mái gồm 9 bộ vì kèo làm kiểu vì “chồng rường” và vì kèo quá giang, nền nhà lát gạch đỏ và gạch hoa.

Nhà thờ Tổ và thờ Mẫu có 5 gian, 2 chái, ở phía sau Thượng điện, xây chạy ngang, hai hồi nhà nối tiếp với hai nhà tả, hữu hành lang thành khối kiến trúc khép kín. Nhà được xây dựng theo kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, phía trước hai hồi xây hai trụ biểu kiểu trụ lồng đèn, đỉnh trụ đắp hình bốn chim phượng, phần lồng đèn đắp hình tứ linh (long, ly, quy, phượng), thân trụ tạo gờ nổi có đắp câu đối chữ Hán. Bộ khung nhà có 6 hàng chân cột gỗ tròn đỡ mái, với 4 bộ vì kèo làm kiểu “giá chiêng, hạ kẻ bẩy”. Hai bộ vì hồi làm kiểu “thượng chồng rường, hạ cốn”. Hai bức cốn mê gắn trên bộ vì hai gian hồi được trang trí chạm thủng đề tài “cúc lão” và “tùng hươu”.

Sáu ngọn tháp xây ở hai hồi toà thượng điện, và phía trước nhà tiền đường. “Pháp bảo tạng” hai tầng, mái lợp ngói tây ở phía sau nhà hành lang bên trái chùa. Bên trái sân chùa là giảng đường, xây hai tầng, mái lợp giả ngói. Đây là một công trình kiến trúc hiện đại, mới xây dựng năm 1997 để mở rộng các phòng làm việc của trường hạ.

Tòa phật điện được bài trí thành ba lớp tượng:

Lớp thứ nhất: Ba pho tượng Tam thế thường trụ diệu pháp thân: Quá khứ, hiện tại, vị lai.

Lớp thứ hai: Bộ tượng Di Đà tam tôn, tượng A Di Đà ở tư thế toạ thiền trên toà sen, có kích thước lớn như tượng A Di Đà ở tư thế đứng trên toà sen.

Lớp thứ ba: Giữa là toà Cửu Long và Phật Thích Ca sơ sinh, hai bên là tượng Bồ Tát ở tư thế đứng trên toà sen.

Bộ sưu tập di vật văn hóa của chùa khá phong phú, đa dạng về chất liệu và loại hình. Trong đó tiêu biểu là tám tấm bia đá niên hiệu thời Nguyễn, trong đó một bia niên hiệu Tự Đức 3 (1850) ghi sự tích và việc trùng tu, sửa chữa các công trình kiến trúc của chùa. Hai quả chuông đồng đúc năm Tự Đức 26 (1873) và năm Tự Đức 34 (1881); một khánh đồng niên hiệu Thiệu Trị 2 (1842). Hai tượng tròn gồm 29 pho, trong đó 26 pho tượng Phật, tượng Mẫu, 2 pho tượng Tổ và một pho tượng “Bà Đá”, tạc bằng gỗ giống như tượng Thánh Mẫu. Những pho tượng của chùa được tạo tác công phu và sơn son thiếp vàng lộng lẫy, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 19, 20. Chùa còn lưu giữ 19 câu đối sơn son thiếp vàng, 10 tấm nghi môn chạm hình rồng, hoa lá và hai bức cuốn thư chép thơ, hai bức cuốn thư chạm nổi hình “cúc, lão”, một bức phù điêu chạm nổi 14 hình tượng nhân cách cùng nhiều đồ thờ tự khác…

Chùa Bà Đá là kiến trúc nghệ thuật khá tiêu biểu của thế kỷ 20, có lịch sử tạo dựng khá đặc biệt so với những ngôi chùa khác trong kinh thành Thăng Long và nằm trong tuyến thăm quan du lịch các di tích lịch sử văn hoá quanh Hồ Gươm: Đền Ngọc Sơn, khu tưởng niệm vua Lê, chùa Bà Đá, chùa Lý Quốc Sư...

Chùa Bà Đá là điểm tham quan lý thú đối với các du khách trong và ngoài nước, là đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử - văn hoá. Chùa Bà Đá được UBND Thành phố Hà Nội xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật ngày 23/5/2005. Hiện nay chùa Bà Đá là trụ sở của Thành hội Phật giáo Hà Nội.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,769,939