Thứ sáu, 19/04/2024

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (sau đây gọi tắt là Bảo tàng) ở 36 Lý Thường Kiệt, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, cách hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ khoảng 500m. Bảo tàng này được dành riêng cho phụ nữ Việt Nam.

Bảo tàng được thành lập năm 1987, trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với chức năng nghiên cứu, lưu giữ bảo quản, trưng bày những di sản vật thể, phi vật thể về lịch sử, văn hóa của phụ nữ Việt Nam. Bảo tàng được khánh thành vào ngày 20/10/1995, nhân kỉ niệm 65 ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Từ khi khánh thành, Bảo tàng đã trưng bày thành công rất nhiều triển lãm phục vụ hàng trăm nghìn khách trong nước và quốc tế mỗi năm. Bảo tàng cũng đã phát triển một bộ sưu tập hơn 25.000 tài liệu hiện vật liên quan đến phụ nữ Việt Nam. Bộ sưu tập của bảo tàng được phân loại theo chất liệu như dệt, kim loại, gỗ, giấy, gốm, da, sừng, đất, kính... được sưu tầm từ những năm 1970. Mỗi hiện vật đều là câu chuyện về những trải nghiệm trong giai đoạn lịch sử. 

Tòa nhà chính của bảo tàng được chia thành bốn khu vực bao gồm trưng bày thường xuyên, trưng bày chuyên đề, phòng khám phá, và cửa hàng lưu niệm. Cuối năm 2010, Bảo tàng mở cửa trở lại hệ thống trưng bày thường xuyên sau 4 năm đóng cửa nâng cấp, chỉnh lý với 3 chủ đề: Phụ nữ trong gia đình; Phụ nữ trong lịch sử và Thời trang nữ với hơn 1000 tài liệu, hiện vật và ảnh.

Phần trưng bày đầu tiên “Phụ nữ trong gia đình” ở tầng 2 kể về vòng đời của phụ nữ Việt Nam thông qua các nghi lễ và phong tục trong hôn nhân, cưới hỏi, sinh đẻ và cuộc sống gia đình. Phần trưng bày “Phụ nữ trong lịch sử” ở tầng 3 giới thiệu về những sự kiện trong lịch sử và cuộc sống đương đại cũng như là những hồi tưởng về ký ức trong chiến tranh của phụ nữ Việt Nam. Phần trưng bày cuối “Thời trang nữ” ở tầng 4 giới thiệu các sản phẩm mang tính đặc trưng văn hóa vùng miền của phụ nữ các dân tộc Việt Nam thông qua sự sáng tạo và tài hoa của họ.

Trưng bày chuyên đề được tổ chức gần khu vực tòa nhà chính. Đây là nơi nghiên cứu, lưu giữ, bảo quản, trưng bày những tài liệu, hiện vật, những di sản quý giá liên quan đến Phụ nữ Việt Nam, đồng thời là trung tâm hoạt động, giao lưu văn hoá của phụ nữ Việt Nam và phụ nữ thế giới. Mở đầu hệ thống trưng bày là bức tượng "Mẹ Việt Nam" cao 3,6m, được dát vàng. Bức tường thể hiện hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua các thời đại, tràn đầy nhựa sống, rất dịu dàng, đôn hậu, giàu lòng nhân ái, đức hi sinh và rất đỗi anh hùng. Từ tầng 2 đến tầng 4, gồm 1500m2 diện tích, trưng bày 3 chủ đề: Phụ nữ Việt Nam trong cộng đồng các dân tộc; Phụ nữ Việt Nam trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với sự bình đẳng, phát triển và hòa bình của phụ nữ, và hai chuyên đề: Nét văn hóa của phụ nữ Việt Nam qua một số sản phẩm thủ công; Trang phục phụ nữ của dân tộc ở Việt Nam.

Bên cạnh hệ thống trưng bày thường xuyên, Bảo tàng còn tổ chức nhiều cuộc trưng bày chuyên đề với phương pháp tiếp cận mới là nhân học xã hội, phản ánh sự phát triển và thay đổi của xã hội đương đại bằng các dự án hướng tới nhiều nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là những phụ nữ, trẻ em bị thiệt thòi, yếu thế. Trưng bày không chỉ tập trung giới thiệu vai trò, sự tham gia của các thế hệ phụ nữ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc mà còn đề cập đến muôn mặt cuộc sống đời thường của người phụ nữ trong chiến tranh. Những câu chuyện cuộc đời, những đóng góp, chiến công và cả sự hy sinh, mất mát của họ cho nền độc lập dân tộc và thống nhất đất nước được khắc họa đậm nét qua các hiện vật trưng bày. Hình ảnh người phụ nữ đương đại trong công cuộc xây dựng đất nước với những phẩm chất nhân hậu, bản lĩnh, nghị lực và đầy đam mê cũng được thể hiện qua các bộ phim ngắn.

Ngoài ra bảo tàng còn tổ chức trưng bày lưu động thường xuyên ở các tỉnh thành. Đối tượng chính phục vụ khách tham quan của bảo tàng là các hội viên hội phụ nữ địa phương, các trường đại học và trường học, phục vụ các hoạt động ngoại khóa cho trẻ em. Đặc biệt với mong muốn mang bảo tàng đến gần hơn với công chúng, Bảo tàng đã thực hiện rất nhiều các hoạt động cũng như chương trình giáo dục và mở cửa phòng khám phá vào năm 2010 phục vụ các hoạt động giáo dục cho trẻ em từ 7 - 15 tuổi. Phòng khám phá giúp trẻ em có cơ hội phát triển các kỹ năng sáng tạo, nghiên cứu, trao đổi, thuyết trình, đọc và viết thông qua nhiều hoạt động: Học sinh có thể học cách làm nón truyền thống, thử trang phục truyền thống của các dân tộc.

Đến Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam giúp người xem hiểu kĩ hơn về những thế hệ phụ nữ Việt Nam nhân hậu, thuỷ chung, đảm đang và anh hùng. Chúng ta sẽ thấy được vai trò của "một nửa thế giới" trên mảnh đất Việt Nam anh hùng, biết thêm về công lao đóng góp, sự hi sinh của các bà, các mẹ và cả các chị, các em gái trong những chặng đường lịch sử của dân tộc.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,762,966